Bong da

Lăng Kính: Người Nhật & giấc mơ phi thường

Cập nhật: 03/08/2012 09:34 | 0

Người Nhật có những giấc mơ phi thường trong bóng đá nhưng họ làm theo cách bình thường nhất. Có nghĩa là rất khoa học và lý tính.

Lăng Kính: Người Nhật & giấc mơ phi thường
Lăng Kính: Người Nhật & giấc mơ phi thường
>>
>>
>>

1.
Nhắc đến bóng đá là người ta phải nhắc đến Brazil đầu tiên, nơi đã và vẫn sản sinh ra những tài năng, những đôi chân ma thuật luôn làm bùng nổ các cầu trường. Ngay cả những người không yêu bóng đá cho lắm vẫn có thể nhắc tên được vài siêu sao Brazil. Họ tài đến mức, nhiều câu chuyện về họ đã trở thành huyền thoại.

Điều đáng nói về bóng đá Brazil chính là rất nhiều tài năng của họ bắt đầu sự nghiệp từ hè phố, với đôi chân trần, những quả bóng quấn bằng vải cũ hay thậm chí là ống lon. Có lẽ, bản năng chơi bóng đã ngấm vào máu của họ và điều tạo nên bản năng ấy chỉ có hai thứ. Đầu tiên là tình yêu vô bờ bến dành cho bóng đá và thứ hai là khát vọng được trở thành ngôi sao vĩ đại nhất của làng túc cầu.

2.Nhắc đến bóng đá châu Á là người ta nhớ ngay đến Nhật Bản, một nền bóng đá tiêu biểu nhất của khu vực. Họ đã thành hình mẫu cho nhiều nền bóng đá Á đông thời nay. Và nhắc tới thành công của người Nhật trong bóng đá, người ta luôn kể đến số lượng những danh thủ Nhật Bản đang chính chiến ở châu Âu ngày một đông đảo hơn. Để tạo được thành quả ấy, người Nhật cũng có hai thứ. Đầu tiên, họ chính là quốc gia có cách làm bóng đá khoa học, nghiêm túc và trung thực nhất. Kế đến, họ cũng có khát vọng cháy bỏng là chinh phục những đỉnh cao của thế giới chứ không chỉ là của châu Á. Khát vọng ấy đã từng được thể hiện trong cuốn truyện tranh Tsubasa với những chiến thắng của Nhật Bản trước Đức và Brazil. Đó là sự lạc quan cần thiết. Về khoa học kỹ thuật, họ đã làm được dù xuất phát sau châu Âu-Mỹ. Về bóng đá, cớ sao lại không thể?

3.Trước thềm Olympic 2012, trong dịp đi công tác ở giải U17 QG báo Bóng đá - Cúp Thái Sơn Nam tại Huế, ngẫu nhiên tôi cầm theo cuốn truyện dài có tên Bồn Lừa của nhà văn Duyên Anh, xuất bản năm 1967. Cuốn truyện ấy nói về Bồn Lừa, một cậu bé yêu bóng đá và cũng chơi bóng hè phố như những ngôi sao Brazil ngày ấu thơ. Bồn Lừa nằm mơ thấy mình là ngôi sao đội tuyển trẻ Việt Nam đá giao hữu với tuyển Brazil của Pele, Garincha, Didi, Vava… và… chiến thắng. Để rồi nó cứ ám ảnh mãi với câu hỏi “chiêm bao có thành sự thật?”. Và khi được một người lớn trả lời rằng “Sẽ thành sự thực vì cháu là đứa trẻ phi thường. Kẻ tầm thường không bao giờ dám nghĩ mình sẽ làm hay hơn kẻ tài giỏi vượt bậc”, Bồn Lừa đã trở thành một ngôi sao bóng đá vượt trội đúng nghĩa. Câu chuyện kết thúc có hậu ấy cũng kiểu lạc quan như truyện Tsubasa của người Nhật và chắc hẳn có người đọc nó sẽ cười nhạo vì sự lạc quan đó. Song, nếu nhìn vào thành tựu của bóng đá Nhật Bản hôm nay, có lẽ, ta cũng cần sự lạc quan để khích lệ tinh thần như thế.
 
4.Olympic năm nay chứng kiến hai hình ảnh tuyệt vời là nữ VĐV khuyết tật Natalia Partyka ở bộ môn bóng bàn và nam VĐV Oscar Pistorius chạy trên đôi chân bằng sợi carbon. Đó là giấc mơ phi thường của những người phi thường. Và điều rút ra từ giấc mơ phi thường ấy là gì? Là trước tiên hãy cố trở thành người bình thường trước khi muốn trở thành “ai đó”. Nếu không, từ ước mơ phi thường chuyển sang tầm thường hay bất thường cũng nhanh lắm, gần lắm…

Người Nhật có những giấc mơ phi thường trong bóng đá nhưng họ làm theo cách bình thường nhất. Có nghĩa là rất khoa học và lý tính. Điều đó khiến giấc mơ phi thường của họ mỗi ngày một gần hơn sự thực.

Và nếu Nhật Bản có thua Brazil ở tứ kết thì đó cũng chỉ là thất bại của một trận đấu. Còn giấc mơ, chưa có gì bảo chứng rằng nó đã thất bại…


Nguồn bongdaplus.vn