
Lăng kính: Tay trắng trên đỉnh cao
Mạnh nhất hành tinh? Sẽ rất buồn nếu biết rằng trên đỉnh thế giới, mức lương trung bình của một tuyển thủ bóng đá Mỹ là khoảng 35.000 USD/năm, thấp hơn nhiều nghề lao động phổ thông. Số cầu thủ có thu nhập “ngoài luồng” như các hợp đồng quảng cáo chỉ đếm được trên số bàn tay (số bàn tay khác với số ngón tay, xin bạn đọc lưu ý).
Tương tự là Nhật Bản. Cầu thủ có thu nhập cao nhất của nước này là Homare Sawa, có thu nhập khoảng 3,6 triệu yên/năm (45.000 USD) – nghĩa là cũng chỉ bằng GDP bình quân đầu người của Nhật. Trước đây, Aya Samejima và Karina Maruyama kiếm được nhiều hơn, khoảng 5 triệu yên/năm, và là nguồn cổ vũ cho các cầu thủ khác. Nhưng trớ trêu là họ lại nhận mức lương ấy từ đội Tepco (Tập đoàn điện lực Tokyo) ở… Fukushima. Sau thảm họa sóng thần 2011, đội này ngừng hoạt động.
2.Họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, và cả trong thi đấu. Sau 12 năm quyết tâm xây dựng, người Mỹ vẫn chưa thể có một giải vô địch bóng đá nữ chuyên nghiệp hoàn chỉnh. Họ từng quyết “làm lớn” một lần năm 2000, lập ra giải Vô địch liên hiệp chuyên nghiệp nữ WUSA với những đầu tư nặng tay. 3 năm sau giải này đóng cửa với khoản lỗ 100 triệu USD.
Đến năm 2009, giải Vô địch chuyên nghiệp nữ WPS lại được thành lập. Tới tháng 1/2012, giải này lại tuyên bố hoãn vô thời hạn. Các đội bóng và các cầu thủ phải tứ tán tìm chỗ nương thân.
Ở Nhật Bản, những khó khăn ít được nói đến hơn. Nhưng đến hôm qua, truyền thông phương Tây vẫn còn râm ran câu chuyện đội tuyển nữ nước này phải bay đến London bằng vé hạng phổ thông, còn đội tuyển nam bay vé hạng thương gia, cho dù chính đội tuyển nữ mới mang hy vọng vàng.
Thế mà họ vẫn vươn lên thượng đỉnh thế giới. Trong câu chuyện về các cầu thủ bóng đá nữ, người ta sẽ chỉ nói về thể thao. Không có những thứ ngoài lề như thu nhập khủng, xe đẹp, vợ xinh, những chai Champange giá 10.000 USD như giới cầu thủ nam, tennis hay bóng rổ. Chỉ có thể thao thuần túy và đẹp tinh khôi, như tinh thần Olympic.
3.Olympic không phải là nơi chỉ dành cho những VĐV ở biệt thự, ăn đồ ăn giàu protein, uống thuốc bổ rồi tối ngày tập luyện. Ở đó có những người bình dị, thậm chí là nghèo.
Rất nhiều VĐV chơi các môn ít phổ biến của các quốc gia phương Tây giàu có phải sống dưới mức trung bình của xã hội ngay cả khi có huy chương vàng Olympic. Đã có cả những người phải đưa mình lên mạng rao vặt để xin tài trợ hòng có tiền tập luyện, đơn cử như James Ellington, thành viên đội tuyển điền kinh Liên hiệp Anh tại Olympic này.
Trận chung kết bóng đá nữ của London 2012 rất đẹp. Đẹp không phải bởi nhan sắc của cầu thủ, mà ở đó, người ta thấy hiển hiện câu khẩu hiệu “Nhanh hơn, cao hơn, xa hơn”.
Tuyệt nhiên không thấy thứ gì tầm thường kiểu như “kiếm nhiều tiền hơn”.