
Liên hiệp Anh thất bại: Trăm năm cô đơn

Chắc chưa ai quên, trong những lần ra sân dưới màu cờ LH Anh, Giggs và Bellamy đã bị chính những CĐV của Xứ Wales chỉ trích vì hát quốc ca Anh. Quốc thiều của Xứ Wales là bản Hen Wlad Fy Nhadau (Mảnh đất của cha ông ta) chứ không phải God save the Queen (Chúa phù hộ nữ hoàng) của người Anh. Đơn giản, với họ, nữ hoàng là của người Anh còn đất đai thì vẫn là đất đai của người Xứ Wales, như khẩu hiệu của họ từ xưa tới nay đã chỉ rõ “Wales forever” (Vĩnh cửu Xứ Wales). Và đó là lần thứ hai LH Anh cô đơn trong chính cái bộ dạng đầy ý nghĩa của mình.
Thất bại trước Hàn Quốc ở loạt luân lưu (4-5) rạng sáng qua, khiến đội chủ nhà không đặt chân được vào bán kết Olympic, kéo dài kỷ lục “không bán kết Olympic” của họ lên đến 64 năm. Và lần gần nhất LH Anh vô địch bóng đá nam Olympic cũng đã tròn 100 năm (Olympic 1912), 100 năm ám ảnh khát vọng đầy cô đơn.
Người Anh, trong những thất bại lớn lao nhất ở bóng đá suốt nhiều thập niên qua của họ, đều gắn liền với chấm luân lưu. Và lần này LH Anh cũng thất bại đúng kiểu của người Anh, chứ không phải của người Xứ Wales, Scotland hay Bắc Ireland. Đó là cú sút hỏng ăn ở loạt cuối của Daniel Sturridge, một tài năng trẻ mà người Anh kỳ vọng nhất. Có thể nói, đó là thất bại riêng của Anh mà thôi và nó ám quẻ lên cả thành tích chung của đội tuyển LH Anh. Và đó cũng chính là nỗi thất bại đầy cô đơn như một định mệnh mà người Anh có lẽ không bao giờ dám chối bỏ…
Ngay sau thất bại ấy, HLV Stuart Pearce đổ lỗi cho ý tưởng tái hợp lại đội tuyển LH Anh và ông cho rằng không nên tái hợp như thế nữa. Đó chính là sự thể hiện nỗi cô đơn của LH Anh một cách rõ rệt nhất, nỗi cô đơn kéo dài cả trăm năm trong một màu áo bị chia sẻ thành 4 phần; trong một trái tim bị rời ra thành 4 góc rõ rệt, nỗi cô đơn của màu áo phủ lên 4 liên đoàn chưa bao giờ thực sự coi nhau như anh em ruột thịt.
Khi ông Gordon Brown cho rằng việc tái thành lập đội tuyển LH Anh lần đầu kể từ sau năm 1972 là dự án quan trọng nhất, rõ ràng ông muốn lồng ghép mục đích chính trị vào trong bóng đá để làm rõ hơn thông điệp của mình ở đúng thời điểm đồng bảng Anh đang có vẻ thất thế so với đồng euro của Eurozone (năm 2008-2009). Nhưng Gordon Brown là thủ tướng Anh chứ không phải là chủ tịch FA. Ông không thể hiểu được rằng, bóng đá cũng như chính bộ mặt xã hội mà thôi. Khi xã hội đã không có được tiếng nói chung thì không có một sắc áo nào có thể khoác chung lên 11 con người chỉ chung nhau một điều duy nhất: nỗi cô đơn của những vùng miền...